3 Sự tích Tết Nguyên Tiêu – rằm tháng Giêng

Tết Nguyên Tiêu rằm tháng Giêng được xem là ngày lễ lớn của người Việt. Hãy cùng Amthucquan.net tìm hiểu Sự tích Tết Nguyên Tiêu, nguồn gốc của ngày Tết này.

Sự tích Tết Nguyên Tiêu – rằm tháng Giêng

1. Sự tích về nàng Nguyên Tiêu hiếu thảo

Nguyên là thứ nhất, còn Tiêu là đêm, người xưa nói Tết Nguyên Tiêu là đêm trăng tròn đầu tiên trong năm mới. Song Nguyên Tiêu còn là tên của nàng cung nữ hiếu thảo đời xưa, được lấy tên để đặt cho ngày lễ lớn trong năm này.

Câu chuyện bắt đầu từ thời Tây Hán ở Trung Quốc. Nghe tích xưa kể lại, các cung nữ một khi đã vào cung thì hiếm khi có dịp về thăm nhà, gặp lại người thân, thậm chí có người từ ngày bước chân vào cung cấm là cả một đời ly biệt, chỉ biết ngóng nhìn về nơi quê cha đất mẹ mà dòng lệ hai hàng.

Thời Hán Vũ Đế, có cô cung nữ tên là Nguyên Tiêu. Nguyên Tiêu vào cung đã lâu nhưng mãi chẳng có dịp nào xin về thăm cha mẹ, người thân. Nàng thèm nhớ một cái Tết đoàn tụ bên gia đình nhưng đó dường như là điều không thể, trong lúc nghĩ quẩn, Nguyên Tiêu tìm đến một cái giếng trong cung, toan kết liễu cuộc đời, có vậy mới được về thăm lại mẹ cha.

Nhưng số trời chưa tận, Nguyên Tiêu may mắn được sủng thần của Hán Vũ Đế lúc bấy giờ là Đông Phương Sóc cứu sống. Đông Phương Sóc là người tài năng đức độ, thấu hiểu lòng người, có tấm lòng nhân từ thơm thảo. Gặng hỏi nàng cung nữ và biết được nguồn cơn sự việc, Đông Phương Sóc vô cùng xúc động.

Trước tấm lòng hiếu thảo của người cung nữ xa xứ, Đông Phương Sóc trong lòng cũng muốn giúp chút sức mọn cho cô gái làm trọn chữ hiếu với mẹ cha. Ông bèn nghĩ ra một kế nọ, đảm bảo với nàng Nguyên Tiêu rằng nàng sẽ được về thăm lại cố hương.

Đông Phương Sóc bày một bàn bói quẻ trên đường phố Tràng An, “bài binh bố trận” như một thầy tử vi thứ thiệt. Biết bao người tò mò xúm vào xem quẻ nhưng đều nhận được duy nhất một quẻ giống nhau, trên quẻ có độc một dòng chữ: 16 tháng Giêng kinh thành bị Hỏa thần thiêu rụi.

Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc lời tiên đoán của Đông Phương Sóc đã đến tai Hán Vũ Đế. Hán Vương hoang mang chẳng biết làm sao, vội triệu chính Đông Phương Sóc vào cung để tìm cách hóa giải tai họa sắp tới.

Chuyện do Đông Phương Sóc dựng nên, tất ông đã chuẩn bị kế hóa giải thần kì. Đông Phương Sóc vờ suy nghĩ rất lung rồi tâu với Hán Vũ Đế mà rằng: “Thần nghe nói Hỏa Thần rất thích ăn bánh trôi, bấm độn thấy trong cung có cung nữ Nguyên Tiêu khéo tay, bánh trôi do nàng làm tất sẽ làm Hỏa Thần hài lòng. Thêm nữa, để hóa giải tai họa sắp tới, hãy lệnh cho tất cả các hộ dân trong đêm ngày 15 tháng Giêng sắp tới phải treo một chiếc đèn lồng đỏ trước cửa nhà mình. Hỏa Thần thỏa mãn với bánh trôi, còn Ngọc Hoàng lại lầm tưởng thành Tràng An đã ngập trong biển lửa, sẽ không truy xét gì nữa.”

Hán Vũ Đế y lời làm theo, cứu được Tràng An khỏi cơn “tai họa”. Thưởng công cho nàng Nguyên Tiêu làm bánh ngon đãi Hỏa Thần, Hán Vũ Đế bèn cho nàng về đoàn tụ với gia đình. Còn người dân thì nhớ ơn nàng Nguyên Tiêu dẹp được nạn lửa nên lấy tên nàng đặt cho chiếc bánh trôi, cũng như gọi ngày rằm tháng Giêng với tên gọi khác là Tết Nguyên Tiêu. Từ đó, Tết Nguyên Tiêu hay rằm tháng Giêng còn được xem là ngày đoàn tụ, Tết đoàn viên. Người ta cũng ăn bánh trôi trong ngày Tết này, coi đó là món ăn truyền thống không thể thiếu được trong rằm tháng Giêng hàng năm.

2. Sự tích Ngọc Hoàng hỏa thiêu hạ giới

Trong dân gian còn lưu truyền một tích cổ khác về nguồn gốc ngày Tết Nguyên Tiêu. Theo lời người xưa kể lại, một ngày nọ, có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới. Có người thợ săn không biết mà tưởng rằng đó là vịt trời bình thường nên đã bắn chết thiên nga. Nào ngờ con thiên nga đó là hóa thân của sủng thần trên Thiên Đình của Ngọc Hoàng.

Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng bèn lệnh cho thiên binh thiên tướng xuống hạ giới hỏa thiêu toàn bộ con người và vạn vật đang sinh sống, chỉ có vậy mới hả được cơn giận của Ngọc Hoàng. Ngày được ấn định để thiêu hủy vạn vật dưới trần gian là ngày 15 tháng Giêng âm lịch.

Tưởng chừng số trời đã định, cõi hạ giới sắp chìm trong biển lửa, chẳng còn sinh vật nào có thể sống sót dưới lửa thiêu của thiên đình thì may sao, có một số vị thần còn tỉnh táo đã can ngăn Ngọc Hoàng đang bừng bừng lửa giận. Song can gián không thành, các thần đành phải nghĩ kế khác. Cuối cùng, không còn cách nào khác, các vị thần bèn lén trốn xuống hạ giới, liều mình hiến kế cho chúng sinh vượt qua cơn đại họa diệt vong này, đồng thời thương lượng với thiên binh thiên tướng mắt nhắm mắt mở cho chúng sinh được sống sót.

Mọi sự diễn ra âm thầm lặng lẽ, tới ngày rằm tháng Giêng, dân chúng nghe theo lời căn dặn của thần linh, mang hết đèn lồng trong nhà ra treo trước cửa, ngoài sân, đốt lửa bên ngoài đường làng ngõ xóm, bắn pháo hoa rợp trời, lại khua chiêng gõ trống cho hỗn loạn ồn ào, người dân giả vờ chạy ngược chạy xuôi như đang trốn khỏi ngọn lửa hung tàn. Trên thiên đình, Ngọc Hoàng ngó xuống thấy cảnh tượng như vậy thì cứ ngỡ rằng mệnh lệnh của mình đã được thi hành, nhà cửa dưới hạ giới đã bị phóng hỏa.

Sau này, Ngọc Hoàng cũng phát hiện ra sự thể, nhưng lửa giận đã nguôi, cũng biết mình cả giận mất khôn nên không còn truy cứu. Cũng nhờ thế mà loài người và vạn vật sinh sống dưới trần gian mới thoát khỏi cảnh diệt vong.

3. Sự tích Hán Vũ Đế vi hành vào rằm tháng Giêng

Theo cổ thư “Ngày Tết Trung Quốc”, sự tích về ngày Tết Nguyên Tiêu – ngày rằm tháng Giêng có lời giải thích hơi khác, song vẫn thống nhất là Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ đời nhà Hán.

Theo đó, Hán Văn Đế lên ngôi đúng ngày rằm tháng Giêng, đó cũng là lúc mà vua mới dẹp yên cuộc nổi loạn gây bao rối ren do gia tộc họ Lã gây ra. Bởi vậy mà Hán Văn Đế an tâm, thoải mái tận hưởng cảnh thanh bình, quyết định ra ngoài vi hành, ngắm nhìn cuộc sống của muôn dân an lạc thái bình.

Từ đó về sau, hàng năm cứ đến đêm rằm tháng Giêng là vua Hán Văn Đế lại bí mật cải trang, cùng quần thần thân tín bí mật vi hành, ra khỏi cung dạo chơi giữa chốn dân gian, cùng chung vui với thần dân của mình. Trong cổ ngữ Trung Hoa, chữ “dạ” (đêm) còn được đọc là “Tiêu”, ngày rằm tháng Giêng người dân hưởng niềm vui trọn vẹn bởi dẹp yên thù trong giặc ngoài nên vua lấy tên là Tết Nguyên Tiêu.

Theo tích xưa, ngày này còn được gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ, Tết Thượng Nguyên, Tết Đoàn viên… Đây là ngày Tết truyền thống của dân tộc Hán ở Trung Quốc. Sau này, do quá trình giao thoa văn hóa mà ngày Tết Nguyên Tiêu dần du nhập vào Việt Nam.

Tuy nhiên, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người dân đất Việt đã dần biến ngày Tết này trở thành ngày Tết với những bản sắc riêng của Việt Nam. Trong đó, Phật giáo đóng vai trò quan trọng khi gắn kết các phong tục văn hóa, khiến cho người dân xứ Việt với tư tưởng Phật giáo thấm nhuần coi đó chẳng những là ngày Tết đoàn viên mà còn là ngày lễ lớn để dâng hương lễ Phật đầu năm, cầu cho vạn sự an lành, đất trời hòa lạc, thế gian hoan hỷ tiếng cười.

Lời kết

“Lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, chỉ nghe vậy thôi là hiểu người Việt Nam đặt rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu ở vị trí cao đến nhường nào. Tết Nguyên Tiêu là ngày rằm đầu tiên của năm mới, là ngày đoàn viên, đoàn tụ với gia đình và người thân.

Dân gian coi đây là ngày rằm lớn trong năm, còn với Phật tử thì đây là dịp để đi lễ chùa, cầu cho cả năm an lành, thịnh vượng. Nhiều ý nghĩa là thế, nhưng giờ đây không phải ai cũng biết Sự tích Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ đâu.

 

Rate this post
Leave a Comment