Từ lâu việc tắm lá mùi vào chiều 30 Tết đã trở thành phong tục không thể thiếu vào dịp lễ cổ truyền với nhiều ý nghĩa sâu xa mà không phải ai cũng biết.
Tết cổ truyền của người Việt có khá nhiều phong tục không thể thiếu, một trong số đó chính là tắm lá mùi vào chiều ngày tất niên (29 hoặc 30 tháng Chạp). Đây là một trong những nét đẹp văn hóa vẫn được nhiều gia đình thời nay lưu giữ. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người lớn tuổi trong nhà thường nhắc nhở con cháu mua lá mùi già về để nấu nước tắm vào chiều tất niên.
Người xưa quan niệm, tắm nước cây mùi già không chỉ đơn giản là để cho thơm mà còn nhằm ý nghĩa xua tan đi những điều xui xẻo, những chuyện không may mắn, bụi trần trong suốt một năm vừa qua để có thể đón một năm mới với nhiều điều tốt lành hơn.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, người lớn tuổi trong nhà thường nhắc nhở con cháu mua lá mùi già về để nấu nước tắm vào chiều tất niên.
Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Hương cây mùi khi nấu nước tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng trước giờ khắc giao thoa năm cũ và năm mới, giúp người ta tĩnh tâm sau một năm mệt mỏi với cuộc sống mưu sinh.
Bên cạnh đó, cũng có người mua lá mùi về không chỉ để tắm mà còn để đun xông nhà, cầu tài lộc. Người ta cho rằng dù là dùng để tắm rửa hay xông nhà, thì tục lệ này đều mang ý nghĩa giúp tẩy trần những điều không tốt đẹp từ năm cũ, hướng tới một năm mới tốt lành, hạnh phúc, may mắn.
Ngoài ra, tắm lá mùi cũng có lợi cho sức khỏe. Theo đông y học, rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, thông đại tiểu tiện, chống mệt mỏi, tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe, giúp cơ thể lưu giữ hương thơm, sạch sẽ. Việc tắm nước đun từ hạt hoặc lá mùi già có tác dụng làm cho da sạch, chống viêm nhiễm. Mỗi khi tắm bằng lá mùi hay hạt mùi, cơ thể nóng và toát mồ hôi sau khi tắm nên da được sạch hơn, giúp tiêu diệt vi khuẩn, phần nào cũng có tác dụng phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Chính vì vậy, người xưa từ lâu đã lưu truyền quan niệm tắm lá mùi ngày tất niên không chỉ cho thơm, cho khỏe mà còn để xua tan, gột bỏ mọi vận hạn đen đủi của năm cũ, giữ lại cảm giác khoan khoái, thanh sạch.